Chưa khi nào giá tôm hùm giảm mạnh như hiện tại. Đặc biệt là tôm hùm ngộp, mỗi kg giảm xuống còn 150.000 – 160.000 đồng/kg, rẻ hơn cả thịt lợn.
Thị trường thủy, hải sản đang chứng kiến cảnh giá sụt giảm mạnh. Các nhà hàng tạm ngừng hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến cho sức mua hải sản giảm trong khi nguồn hàng dồi dào. Trong đó có tôm hùm giảm giá khá sâu so với 2 tuần trước đây và đợt giải cứu hồi tháng 2.
Hiện tại, tôm hùm baby xanh trọng lượng 400 – 500gram/con chỉ còn 620.000 đồng/kg. Dòng nhỏ hơn, dao động từ 100 – 200gram/con giảm xuống 380.000 đồng/kg. Tôm hùm bông hay tôm hùm baby xanh cũng giảm giá 20% so với thời gian trước.
Rẻ nhất hiện tại là tôm hùm dập đá, tôm ngộp. Chúng được rao bán trên các chợ hải sản online với mức 150.000 – 160.000 đồng/kg loại 100gram/con, giá 200.000 – 230.000 đồng/kg đối với loại 200gram/con.
Với tôm ngộp từ 200 – 300gram/con, giá là 250.000 – 260.000 đồng/kg. Loại tôm to từ 0,5kg/con trở lên chỉ còn 350.000 – 380.000 đồng/kg. Mỗi loại đang giảm từ 20 – 30.000 đồng/kg so với vài ngày trước đây.

Tôm hùm đang tiêu thụ chậm tại các cửa hàng kinh doanh hải sản dù đã xuống giá.

Hay được mang xuống vỉa hè rao bán.
Tình cảnh cũng không mấy sáng sủa hơn, anh Tiến Hùng, chủ hàng hải sản tại Cầu Giấy cho biết, anh dự định nếu việc giãn cách xã hội đợt 1 được nới lỏng sau ngày 15/4, anh sẽ nhập thêm 2 tạ tôm ngộp để bán, hi vọng cải thiện tình trạng ế ẩm hải sản nhiều ngày trước đó. Tuy nhiên, kế hoạch đã phải tạm ngừng nên hiện tại, anh đang tìm cách đẩy số 20kg tôm hùm ngộp vẫn còn tồn trong kho trước đó.
“Tôm ngộp không để được lâu vì sẽ mất dần độ tươi ngon, thịt tôm cũng hao nhiều nên bán sẽ càng lỗ, trong khi vẫn còn đủ chi phí thuê nhà, tiền hàng đổ lên đầu. Chưa khi nào thấy tôm hùm giảm giá kinh khủng như thế”, anh Hùng bộc bạch.
Trên các chợ hải sản online, không ít tiểu thương như “ngồi trên đống lửa” vì trót ôm số lượng lớn lên tới cả tấn tôm hùm ngộp nhưng rơi vào cảnh ế ẩm hoặc bị “bom” hàng – khách đặt mua rồi hủy đơn.
Nhiều trong số đó cho biết, khi thấy mọi người đổ xô đi mua tôm hùm và các cửa hàng không đủ tôm để bán nên đã kinh doanh hải sản. Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, nhu cầu giảm mạnh, cộng với việc thắt chặt chi tiêu khiến cho người bán rơi vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”, bán ròng rã nhiều ngày không hết hàng phải xả lỗ vốn.

Tôm hùm cũng được bán phổ biến hơn ở các chợ dân sinh ở mọi nơi